Lớp G - Luật sư Khoá X (2010)
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

"Giãi mã" hiện tượng bị can từ chối luật sư

Go down

"Giãi mã" hiện tượng bị can từ chối luật sư Empty "Giãi mã" hiện tượng bị can từ chối luật sư

Bài gửi  Salem Tue Dec 28, 2010 12:43 am

Cập nhật lúc 10:52 | 15/12/2010 (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, đa số trường hợp từ chối luật sư là do áp lực và những thông tin sai lệch đến từ điều tra viên.

Những sự kiện biết nói..

Chuyện bị can đang bị tạm giam để điều tra nói “không” với luật sư do gia đình mời là chuyện “cơm bữa” mà các luật sư gặp phải, đặc biệt trong những vụ án có dấu hiệu oan sai. Khi gặp các trường hợp này, các luật sư thường “bó tay” vì chỉ được thông báo là “bị can không đồng ý mời luật sư”, mà không hiểu vì sao?.

Vụ việc từ chối luật sư gần đây nhất liên quan vụ án “giết người” vì mâu thuẫn trong việc trồng cây trên bờ ao trong khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định mà Báo PLVN phản ánh trong bài “Gán đồng phạm cho người vô can” ra ngày 9/12/2010. Bị can Trần Ngọc Sơn bị khởi tố giam về tội giết người với vai trò đồng phạm với bị can Đào Mạnh Dũng. Sau khi ông Sơn bị bắt tạm giam, em gái ông là bà Trần Thị Lan đã mời Luật sư Trần Việt Hùng bào chữa cho ông Sơn. Hồ sơ được điều tra viên tiếp nhận, nhưng sau đó Luật sư Hùng nhận được thông báo “bị can từ chối luật sư do gia đình mời”.

Ngày 12/7/2010, lần thứ 2 Luật sư Hùng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra nộp hồ sơ và đơn mời luật sư của bà Phạm Thị Yên Hà, vợ ông Sơn đề nghị cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Sơn; nhưng bị can Sơn vẫn có ý kiến không nhờ người khác bào chữa mà tự bị can bào chữa cho mình. Lý do tại sao ông Sơn không để luật sư bào chữa thì không ai biết.

Trường hợp kỳ quặc nữa xảy ra năm 2008 tại CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa. Ông Trịnh Văn Chinh, giám đốc một doanh nghiệp tại TP Thanh Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “buôn lậu” liên quan đến vụ vận chuyển quặng cromit của Công ty Việt Pháp (Ninh Bình). Khi tàu vận chuyển hàng của Công ty ông bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ, ông Chinh đã làm việc với luật sư, ký hợp đồng dịch vụ pháp lý để nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông, kể cả trường hợp ông bị khởi tố. Khi ông Chinh bị tạm giam, Luật sư Lê Văn Đài đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Chinh và làm việc với ông Chinh trong trại tạm giam. Nhưng bất ngờ sau đó, ông Chinh có đơn từ chối luật sư.

Vụ án “hiếp dâm” do CQĐT Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội khởi tố đối với bị can Ninh cũng tương tự. Gia đình mời luật sư bào chữa cho ông Ninh nhưng trong giai đoạn điều tra, luật sư bị từ chối cấp chứng nhận bào chữa vì “bị can không yêu cầu”.

Sự thật…

Chuyện từ chối luật sư cuối cùng cũng có câu trả lời từ chính những người đã từ chối luật sư. Theo Luật sư Chu Đông (người bào chữa cho bị can Sơn trong vụ án giết người), thì bị can này đã nói về việc “từ chối luật sư” trong giai đoạn điều tra là do điều tra viên đã nói với bị can này rằng “Thuê luật sư mất rất nhiều tiền, ít là 20 - 30 triệu đồng, tội của Sơn nhẹ chỉ 2, 3 năm do vậy thuê luật sư làm gì, chỉ cần luật sư chỉ định do VKS bỏ tiền là được”. Vì thế, bị can đã nghe theo. Song khi nhận được kết luận điều tra, ông Sơn đã không đồng ý và kêu oan. Hiện tội danh của ông Sơn đã được thay đổi, vì ông không phạm tội giết người.

Nhưng đối với những trường hợp đã ký hợp đồng và trả tiền cho luật sư như ông Chinh thì lý do từ chối luật sư chắc chắn không phải vì sợ tốn tiền. Khi bị bắt tạm giam, ông Chinh còn bị tạm giữ một xe ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Hyundai Santafe. Sau khi ông từ chối luật sư, CQĐT đã trả lại chiếc xe này cho gia đình ông.

Trường hợp của bị can Ninh thì càng khó hiểu. Kết thúc giai đoạn điều tra, giai đoạn quan trọng nhất trong việc lập hồ sơ của vụ án, gia đình ông Ninh tiếp tục mời luật sư và được Tòa án cấp giấy chứng nhận bào chữa. Khi luật sư vào trại tạm giam gặp ông Ninh, ông Ninh đã khóc vì mừng. Luật sư Lê Văn Đài cho biết, khi gặp luật sư ông Ninh đã nói “tôi mong các anh từng ngày”. Khi được hỏi vì sao trong giai đoạn điều tra, ông lại viết đơn từ chối luật sư, ông Ninh cho biết, ông… không còn lựa chọn nào khác.

Những người bị tạm giam thừa biết rằng, khi có luật sư bào chữa họ sẽ có chỗ dựa tâm lý quan trọng và luật sư cũng chính là sợi dây liên lạc giữa họ và gia đình trong thời gian họ bị giam giữ để điều tra. Vì thế, việc từ chối luật sư của họ không khác gì “kẻ chết đuối” vứt bỏ chiếc “cọc” duy nhất mà họ có được. Khó mà lý giải rằng, việc từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra của các bị can bị tạm giam là chuyện bình thường, nhất là nó liên quan đến những vụ án có dấu hiệu oan sai.


Các luật sư phản ánh hiện tượng “từ chối luật sư” đa phần do áp lực của điều tra viên, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm ĐLS Lạng Sơn về vấn đề này:

Thưa Luật sư, theo ông thì việc từ chối luật sư khi họ bị tạm giam là bình thường hay không bình thường?

- Không bình thường. Là bị can, họ cần luật sư nhưng trong điều kiện bị tạm giam, họ đã nhận được những thông tin không chính xác về vai trò của luật sư hoặc những áp lực khác nên dẫn đến họ từ chối luật sư, như: việc có luật sư là không cần thiết, việc có luật sư sẽ tốn kém… Nói tóm lại, họ bị tác động tâm lý từ điều tra viên chứ tự thân họ không muốn từ chối luật sư.

Theo ông, việc bị can bị tạm giam từ chối luật sư do thân nhân mời đều có dấu hiệu không bình thường, vậy cần có giải pháp nào cho vấn đề này?

- Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, bị can có quyền mời luật sư và nếu họ không thể làm được điều đó vì bị tạm giam thì người đại diện hợp pháp có thể mời luật sư. Lẽ ra, với quy định này thì CQĐT phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư để luật sư tham gia tố tụng thì sẽ không có chuyện “từ chối” bất thường như trên.\

Nhưng Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC lại hướng dẫn rằng, trường hợp người đại diện mời luật sư thì phải “hỏi” bị can xem có đồng ý không. Như thế, đã có kẽ hở để bị can từ chối luật sư với lý do rất lạ.

Tôi cho rằng, cần phải quy định về việc tham gia bào chữa của luật sư theo hướng, phải hỏi bị can về việc có mời luật sư hay không ngay khi bắt tạm giam và thể hiện nội dung này trong biên bản bắt giữ để làm cơ sở cho việc tham gia tố tụng của luật sư.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh
Theo: http://www.phapluatvn.vn/phapdinh/hosoluatsu/201012/Giai-ma-hien-tuong-bi-can-tu-choi-luat-su-2021651/
Salem
Salem

Tổng số bài gửi : 88
Join date : 11/12/2010
Age : 38
Đến từ : Hải Dương

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết